Individualized Education Program hay “IEP” là gì?

Individualized Education Program hay “IEP” là gì?

Individualized Education Program (IEP, Chương trình giáo dục cá nhân) là một mô tả chi tiết về hướng dẫn và các dịch vụ mà học sinh khuyết tật cần để có được nền giáo dục thiết thực. Individualized Education Program hay IEP, là một tài liệu mô tả các dịch vụ giáo dục đặc biệt cụ thể mà một đứa trẻ sẽ nhận được. IEP là tài liệu pháp lý và học sinh có quyền nhận tất cả dịch vụ được nêu trong IEP. IEP nên được điều chỉnh cho phù hợp với trẻ và nhu cầu giáo dục của em, đồng thời nó có thể bao gồm các chiến lược sáng tạo để cung cấp dịch vụ.

IEP phải bao gồm:

  • Tuyên bố về các cấp độ giáo dục và hoạt động chức năng hiện tại của học sinh — tình trạng hiện tại của học sinh như thế nào
  • Mục tiêu giáo dục hàng năm
  • Tuyên bố về cách đo lường sự tiến bộ của trẻ và thời điểm cung cấp các báo cáo định kỳ về sự tiến bộ của trẻ
  • Mô tả về tất cả dịch vụ mà trẻ sẽ nhận được cả trong môi trường lớp học giáo dục phổ thông và môi trường giáo dục đặc biệt
  • Mô tả về “các dịch vụ liên quan” mà học sinh sẽ nhận được như liệu pháp phát âm và ngôn ngữ, dịch vụ đưa đón và tư vấn
  • Mô tả về tất cả các sửa đổi chương trình sẽ được cung cấp như tài liệu đọc đã sửa đổi, người giảng giải về các bài thi và bài tập khác, máy ghi âm cho bài giảng, v.v.
  • Xác định xem học sinh có cần các thiết bị và dịch vụ công nghệ hỗ trợ hay không. Công nghệ hỗ trợ có nghĩa là thiết bị hay hệ thống nhằm nâng cao hoặc duy trì các khả năng của học sinh và có thể bao gồm các mặt hàng được sản xuất thương mại như máy tính hoặc bàn phím tùy chỉnh
  • Quyết định về tính đủ điều kiện cho giáo dục thể chất thích ứng và cách thức cung cấp nếu đủ điều kiện
  • Mô tả về cách học sinh sẽ tham gia các lớp học và hoạt động giáo dục phổ thông và mô tả lý do nếu không tham gia
  • Mọi điều chỉnh mà học sinh sẽ có để sử dụng các dịch vụ năm học mở rộng, nếu Nhóm IEP xác định là cần thiết
  • Các biện pháp can thiệp sự chống đối, nếu có, được yêu cầu cho học sinh
  • Địa điểm, thời lượng và tần suất của các dịch vụ sẽ được cung cấp
  • Ngày bắt đầu các dịch vụ
  • Bắt đầu không muộn hơn thời điểm IEP sẽ có hiệu lực khi học sinh đủ 16 tuổi hay nhỏ hơn nếu Nhóm IEP xác định là phù hợp: 1) các mục tiêu sau trung học thích hợp và có thể đo lường được và 2) các dịch vụ chuyển tiếp cần thiết để hỗ trợ học sinh đạt được các mục tiêu đó.

Ngoài ra, những học sinh thực hiện các đánh giá thay thế cũng phải có những điều sau đây trong IEP:

  • Mô tả về các điểm chuẩn hoặc mục tiêu ngắn hạn
  • Tuyên bố về lý do tại sao học sinh không thể tham gia đánh giá thường xuyên
  • Tuyên bố về lý do tại sao đánh giá thay thế cụ thể là thích hợp cho học sinh.

Bao lâu sau lần đánh giá ban đầu thì con tôi sẽ nhận được IEP nếu đủ điều kiện tham gia chương trình giáo dục đặc biệt?

Trong vòng 30 ngày theo lịch kể từ khi có quyết định rằng học sinh đủ điều kiện tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, một cuộc họp IEP phải được tổ chức. Sau khi khu học chánh xác định rằng học sinh đủ điều kiện nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt, họ có 30 ngày theo lịch (không phải ngày học) để tổ chức cuộc họp IEP và phát triển kế hoạch cá nhân cho học sinh.

Ai là người phát triển IEP?

Nhóm IEP bao gồm những người có thể giúp thiết kế chương trình giáo dục của học sinh. Một nhóm người sẽ chịu trách nhiệm viết và phê duyệt IEP. Những người sau đây là thành viên của Nhóm IEP và thường phải có mặt tại tất cả cuộc họp IEP:

  • Phụ huynh hoặc người giám hộ
  • Ít nhất một trong các giáo viên giáo dục phổ thông của học sinh (nếu học sinh đang hoặc có thể sẽ tham gia môi trường giáo dục phổ thông)
  • Ít nhất một trong các giáo viên giáo dục đặc biệt của học sinh hoặc nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt, nếu thích hợp
  • Một đại diện của khu học chánh đủ tiêu chuẩn về giáo dục trẻ khuyết tật và có hiểu biết về chương trình giảng dạy phổ thông cũng như các nguồn lực sẵn có (như giám đốc giáo dục đặc biệt)
  • Một cá nhân có thể giải thích dữ liệu đánh giá (có thể là một trong những người nêu trên hoặc chuyên gia tâm lý học đường)
  • Theo quyết định của phụ huynh hoặc khu học chánh, những người khác có kiến thức hoặc chuyên môn đặc biệt về trẻ
  • Học sinh (nếu thích hợp)
  • Các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiếp (như các chuyên gia dạy nghề hoặc người nào đó từ một cơ quan bên ngoài như Division of Developmental Disabilities (DDD, Bộ Phận Người Khuyết Tật Phát Triển)).

Những người khác có thể tham gia Nhóm IEP. Luật đặc biệt cho phép những người khác “có kiến thức hoặc chuyên môn đặc biệt về trẻ” tham gia vào Nhóm IEP. Điều này có nghĩa là Nhóm IEP có thể bao gồm người thân, bạn bè của gia đình, thành viên cộng đồng, chuyên gia trị liệu và người ủng hộ. Khu học chánh hoặc phụ huynh sẽ quyết định ai là người có kiến thức hoặc chuyên môn về trẻ. Nếu có những người mà quý vị cho rằng nên được đưa vào Nhóm IEP của con mình, hãy nhớ thông báo cho nhà trường để họ có thể được mời. Tuy nhiên, theo IDEA và luật giáo dục đặc biệt của tiểu bang, các thành viên của Nhóm IEP có thể không bắt buộc phải tham gia trong mọi trường hợp. Thành viên của Nhóm IEP được liệt kê ở trên không bắt buộc phải tham gia cuộc họp IEP nếu lĩnh vực chương trình giảng dạy của thành viên đó không phải là chủ đề của cuộc họp, đồng thời phụ huynh và khu học chánh có văn bản đồng ý rằng việc tham gia của họ là không cần thiết. Ví dụ, một nhà cung cấp dịch vụ phát âm và ngôn ngữ có thể không cần tham gia nếu các dịch vụ phát âm không phải là chủ đề của cuộc họp IEP, đồng thời phụ huynh và khu học chánh có văn bản đồng ý rằng nhà cung cấp đó không cần tham gia vì mục đích cuộc họp chỉ để thảo luận về kế hoạch can thiệp hành vi của học sinh. Hơn nữa, các thành viên của Nhóm IEP có thể được miễn tham gia cuộc họp NGAY CẢ KHI cuộc họp liên quan đến việc sửa đổi hoặc thảo luận về lĩnh vực của các thành viên đó nếu phụ huynh và khu học chánh có văn bản đồng ý. Tuy nhiên, thành viên Nhóm IEP được miễn phải gửi văn bản đóng góp ý kiến về việc phát triển IEP cho cả phụ huynh và khu học chánh trước cuộc họp.

Làm thế nào để tôi biết khi nào Nhóm IEP có cuộc họp?

Khu học chánh phải thông báo cho phụ huynh về mục đích, thời gian và địa điểm của cuộc họp IEP và những người sẽ tham gia. Khu học chánh phải thông báo sớm để đảm bảo phụ huynh có cơ hội tham dự. Cuộc họp nên được lên lịch vào thời gian và địa điểm đã được hai bên thống nhất. Nếu phụ huynh và khu học chánh đồng ý, cũng có thể tổ chức các cuộc họp bằng hình thức cuộc họp điện thoại hoặc video.

Tôi có thể đóng góp gì cho IEP?

Ý kiến đóng góp từ phụ huynh và những người biết về học sinh cũng như quan tâm đến thành công của em là chìa khóa để tạo ra chương trình giáo dục đặc biệt có hiệu quả. Phụ huynh là một phần thiết yếu của Nhóm IEP và có thể đưa ra ý kiến tuyệt vời về những người hữu ích khác để đưa vào nhóm. Nhóm IEP phải xem xét những hạn chế khi lập kế hoạch. Quý vị nên báo cho nhà trường nếu có những người khác mà quý vị cho rằng có thể đóng góp vào quá trình này. Một phần quan trọng trong vai trò người ủng hộ của quý vị là phân tích chương trình giáo dục và các dịch vụ đang được cung cấp bởi khu học chánh. Ví dụ, các mục tiêu và mục đích có hợp lý không khi quý vị là người hiểu rõ khả năng của con mình? Các loại dịch vụ do khu học chánh đề xuất có tạo ra sự khác biệt cho con quý vị không? Nếu có đề xuất để cải thiện kế hoạch giáo dục, quý vị nên trình bày chúng trong cuộc họp Nhóm IEP. Quý vị cũng có thể đưa thêm một góc nhìn mới và sự sáng tạo vào quá trình này. Hãy nghĩ về những cách thu hút con quý vị tham gia chương trình mà các nhà giáo có thể đã không nghĩ đến. Ví dụ: nếu phần thưởng là một hoạt động đặc biệt hoặc chơi thể thao giúp con quý vị có động lực làm việc nhà ở nhà, thì có thể đưa ra phần thưởng tương tự cho việc hoàn thành bài tập ở trường. Hoặc có thể quý vị biết rằng con mình sẽ gặp khó khăn khi có rất nhiều yếu tố sao nhãng, con người và tiếng ồn. Quý vị có thể đề xuất cho con mình chuyển lớp trước hoặc sau khi các học sinh còn lại làm điều đó.

IEP giải quyết các vấn đề về hành vi như thế nào?

IEP nên bao gồm đánh giá hành vi chức năng và kế hoạch can thiệp hành vi nếu tồn tại các vấn đề về hành vi. Đối với học sinh có hành vi cản trở việc học của chính mình hoặc của học sinh khác, IEP nên đưa ra các mục tiêu và mục đích để cải thiện hành vi và các chiến lược để giải quyết vấn đề. Điều quan trọng cần nhớ là hành vi của học sinh có thể liên quan đến tình trạng khuyết tật của em. IEP nên dự đoán các vấn đề về hành vi và xây dựng các cách hiệu quả để đối phó với những vấn đề đó trước khi chúng xảy ra.

Khi nào IEP được xem xét hoặc sửa đổi?

Ít nhất mỗi năm một lần, nhưng thường xuyên hơn nếu thành viên của Nhóm IEP yêu cầu. IEP nên được xem xét lại ít nhất mỗi năm một lần. Tuy nhiên, khu học chánh phải tuân theo IEP ngay cả khi đã quá hạn để xem xét. Vào cuối năm, Nhóm IEP phải họp để xem xét chương trình giáo dục và xác định xem liệu các mục tiêu hàng năm của học sinh có đang đạt được hay chưa. IEP phải được sửa đổi nếu học sinh không có tiến bộ trong học tập hoặc thông tin mới về học sinh được cung cấp. IEP cũng nên dự đoán các nhu cầu thay đổi của học sinh khi em trưởng thành. IEP cũng có thể được xem xét bất kỳ lúc nào theo yêu cầu của thành viên trong nhóm hoặc khi hoàn cảnh đã thay đổi. Tuy nhiên, theo IDEA và luật giáo dục đặc biệt của tiểu bang, các thay đổi hiện có thể được thực hiện đối với IEP của trẻ sau cuộc họp đánh giá hàng năm mà không cần triệu tập cuộc họp IEP nếu phụ huynh và khu học chánh đồng ý làm như vậy. Trong trường hợp này, có thể sử dụng tài liệu bằng văn bản để sửa đổi hoặc bổ sung IEP của trẻ. Theo yêu cầu của phụ huynh, khu học chánh phải cung cấp cho phụ huynh một bản IEP đã sửa đổi bao gồm các sửa đổi. Nếu quý vị cho rằng IEP hoặc các dịch vụ giáo dục đặc biệt của con mình đã thay đổi, hãy yêu cầu Khu Học Chánh cung cấp một bản IEP mới nhất bao gồm bất kỳ sửa đổi nào bằng văn bản đã được thực hiện thông qua thỏa thuận. Theo IDEA, khuyến khích các khu học chánh giảm số lượng cuộc họp IEP được tổ chức cho mỗi học sinh mỗi năm bằng cách khuyến khích hợp nhất các cuộc họp của Nhóm IEP.

Sẽ ra sao nếu các thay đổi được thực hiện với IEP của con tôi mà không có sự cho phép của tôi?

Trao đổi ngay với nhà trường về những lo ngại của quý vị. Quý vị là thành viên của Nhóm IEP và phải có mặt trong tất cả quyết định về chương trình giáo dục đặc biệt của con mình. Nếu quý vị không thể giải quyết sự bất đồng một cách không chính thức bằng cách nói chuyện với nhân viên nhà trường, hãy đọc Phần VII về Giải Quyết Tranh Chấp trong ấn phẩm này để có thêm lựa chọn.

Một khi con tôi đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, có thực hiện thêm bất kỳ đánh giá nào nữa không?

Có, các học sinh khuyết tật nên được đánh giá ít nhất ba năm một lần và thường xuyên hơn nếu cần. Mặc dù IEP phải được xem xét mỗi năm một lần, nhưng việc đánh giá lại cho các học sinh khuyết tật không cần thiết phải diễn ra thường xuyên. Việc đánh giá lại phải được thực hiện ít nhất ba năm một lần. Phụ huynh và khu học chánh có thể đồng ý rằng không cần đánh giá lại ba năm. Tuy nhiên, đánh giá sau ba năm này thường cung cấp thông tin có giá trị về tình trạng hiện tại của học sinh cho phụ huynh và khu học chánh. Hãy tưởng tượng những thay đổi mà học sinh sẽ trải qua trong ba năm từ tiểu học lên trung học phổ thông! Suy nghĩ thật kỹ trước khi đồng ý không cho con quý vị kiểm tra lại vì nhiều thứ có thể đã thay đổi trong ba năm trôi qua kể từ lần đánh giá cuối cùng. Học sinh có thể được đánh giá lại sớm hơn nếu khu học chánh xác định rằng các nhu cầu giáo dục và dịch vụ của học sinh cần được đánh giá lại (điều này bao gồm các trường hợp khi học sinh đã tiến bộ) hoặc nếu phụ huynh hay giáo viên yêu cầu đánh giá lại. Tuy nhiên, việc đánh giá lại có thể không quá một lần mỗi năm trừ khi phụ huynh và khu học chánh đồng ý rằng việc đánh giá là cần thiết. Mục đích của việc đánh giá lại là để xác định:

  1. Liệu học sinh có tiếp tục đáp ứng các tiêu chí về tính đủ điều kiện hay không
  2. Những dịch vụ bổ sung nào cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của IEP
  3. Mức độ thành tích học tập hiện tại và các nhu cầu phát triển liên quan của học sinh.

Nhóm IEP phải xem xét dữ liệu đánh giá hiện có cho học sinh và quyết định xem cần loại kiểm tra bổ sung nào, nếu có, để giải quyết ba vấn đề được liệt kê ở trên.

Đứa con có khuyết tật của tôi sẽ nhận được các dịch vụ mô tả trong IEP ở đâu?

Học sinh khuyết tật phải được học tập trong môi trường giáo dục ít hạn chế nhất - và điều đó có thể có nghĩa là lớp học giáo dục phổ thông. Một nguyên tắc thiết yếu của IDEA là học sinh khuyết tật phải được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông càng nhiều càng tốt và không bị loại trừ hoặc giáo dục riêng biệt. Trẻ khuyết tật có quyền được giáo dục trong môi trường ít hạn chế nhất. Điều này có nghĩa là Nhóm IEP phải xem xét việc giáo dục và cung cấp dịch vụ cho học sinh trong môi trường giống như các học sinh không bị khuyết tật ở các hoạt động học thuật, phi học tập và ngoại khóa. Học sinh khuyết tật chỉ có thể bị đưa ra khỏi môi trường lớp học giáo dục phổ thông nếu các nhu cầu quá hà khắc hoặc gây khó khăn đến mức học sinh đó không thể đạt được tiến bộ trong học tập, ngay cả khi có thêm hỗ trợ và dịch vụ trong lớp học giáo dục phổ thông. Không phải tất cả học sinh khuyết tật đều có thể thành công trong lớp học giáo dục phổ thông mà không có sự hỗ trợ. Một số học sinh cần được hỗ trợ cá nhân từ trợ lý của giáo viên trong lớp hoặc các sửa đổi về chương trình giảng dạy, tài liệu hay phương pháp giảng dạy. Các học sinh khác lại yêu cầu một môi trường học hoàn toàn khác như trường học ban ngày đặc biệt hoặc giảng dạy tại nhà. Mỗi khu học chánh phải đảm bảo luôn có sẵn nhiều môi trường giáo dục cho học sinh khuyết tật vì một số học sinh khuyết tật cần nhiều hơn những gì có thể được cung cấp trong môi trường giáo dục phổ thông. Học sinh phải được học tập trong môi trường giáo dục gần với lớp học giáo dục phổ thông nhất, nhưng vẫn sẽ cho phép học sinh tiến bộ trong học tập. Chuỗi các môi trường giáo dục này đôi khi được gọi là chuỗi xếp lớp liên tục và có thể bao gồm các tùy chọn được mô tả trong biểu đồ bên trái.

Điều gì xảy ra nếu con tôi có IEP và chúng tôi chuyển tới nơi khác trong năm học?

  1. Chuyển tới nơi khác nhưng vẫn trong tiểu bang: Khu học chánh mới phải cung cấp cho học sinh những dịch vụ tương đương với những gì được nêu trong IEP từ khu học chánh cũ cho đến khi khu học chánh mới áp dụng IEP cũ hoặc phát triển IEP mới.
  2. Chuyển tới nơi khác ngoài tiểu bang: Khu học chánh mới ở tiểu bang mới phải cung cấp cho học sinh những dịch vụ tương đương với những gì được nêu trong IEP từ khu học chánh cũ cho đến khi khu học chánh mới tiến hành đánh giá và phát triển một IEP mới nếu cần.

Trong cả hai trường hợp, trường mới phải thực hiện các bước hợp lý để nhanh chóng có được hồ sơ giáo dục đặc biệt của trẻ và trường cũ phải nhanh chóng phản hồi về yêu cầu hồ sơ.

Đứa con có khuyết tật của tôi có thể nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt trong mùa hè không?

Có.

  1. Dịch vụ Extended School Year (ESY, Năm Học Mở Rộng)

Học sinh khuyết tật có thể nhận được các dịch vụ giáo dục đặc biệt trong mùa hè nếu Nhóm IEP quyết định rằng các dịch vụ này là cần thiết để học sinh có được nền giáo dục thiết thực. Tính đủ điều kiện cho các dịch vụ năm học mở rộng có thể dựa trên các yếu tố sau:

  • Khả năng học sinh sẽ mất đi các kỹ năng trong mùa hè
  • Liệu chương trình hè có cần thiết để học sinh đạt được các mục tiêu IEP hàng năm hay không
  • Khuyến nghị từ chuyên gia
  • Lịch sử giáo dục của học sinh.

Các khu học chánh được yêu cầu phát triển các tiêu chí để Nhóm IEP sử dụng khi xác định nhu cầu của học sinh đối với các dịch vụ năm học mở rộng. Nếu quý vị cho rằng con mình cần các dịch vụ năm học mở rộng, hãy yêu cầu một bản các tiêu chí của khu học chánh. Nếu chương trình hè được cung cấp, chương trình đó phải đáp ứng các mục tiêu của IEP. Nói cách khác, việc tham gia các khóa học hè giáo dục phổ thông dành cho tất cả học sinh có thể là không đủ. Nếu IEP của học sinh cung cấp dịch vụ hỗ trợ 1:1 trong năm học, học sinh đó cũng phải được hỗ trợ 1:1 trong suốt học kỳ hè. Chương trình năm học mở rộng phải được cung cấp miễn phí cho học sinh. Nếu khu học chánh không có chương trình hè thích hợp cho học sinh đủ điều kiện nhận các dịch vụ năm học mở rộng, khu học chánh nên xây dựng một chương trình như vậy hoặc trả tiền để học sinh tham gia chương trình do một khu học chánh khác hoặc tổ chức tư nhân cung cấp. Khu học chánh phải trả chi phí đưa đón và các chi phí khác liên quan đến chương trình năm học mở rộng.

  1. Các điều chỉnh và dịch vụ trong trường học hè giáo dục phổ thông

Nếu một học sinh khuyết tật không đủ điều kiện nhận các dịch vụ ESY nhưng có đăng ký chương trình học hè giáo dục phổ thông của khu học chánh, thì nhà trường vẫn phải cung cấp các điều chỉnh và hướng dẫn chuyên biệt cho học sinh. Yêu cầu các dịch vụ này theo IDEA hoặc Phần 504 nếu con quý vị cần được trợ giúp thêm để tham gia chương trình.

Chương trình giáo dục đặc biệt có thể giúp con tôi chuyển tiếp từ trường học sang cuộc sống trưởng thành không?

Có, chương trình giáo dục đặc biệt phải cung cấp các dịch vụ chuyển tiếp cho học sinh ít nhất từ mười sáu tuổi trở lên. Chương trình giáo dục đặc biệt cung cấp dịch vụ cho tất cả học sinh khuyết tật để giúp các em chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành. Các dịch vụ này, gọi là “dịch vụ chuyển tiếp”, được thiết kế để thúc việc chuyển các hoạt động ở trường sang các hoạt động sau trung học, bao gồm đại học và giáo dục sau trung học khác, chương trình đào tạo nghề, chương trình sống độc lập, dịch vụ dành cho người trưởng thành và việc làm được hỗ trợ. Các khu học chánh phải bắt đầu lập kế hoạch chuyển tiếp cho học sinh sắp tốt nghiệp, bắt đầu không muộn hơn thời điểm IEP đầu tiên sẽ có hiệu lực khi học sinh 16 tuổi. Điều này có nghĩa là khu học chánh phải giải quyết việc lập kế hoạch chuyển tiếp tại cuộc họp IEP hàng năm trước sinh nhật 16 tuổi của học sinh. Sau khi việc chuyển tiếp được giải quyết, IEP phải đưa vào các mục tiêu sau trung học phù hợp và có thể đo lường được, liên quan đến đào tạo, giáo dục, việc làm và các kỹ năng sống độc lập nếu phù hợp, đồng thời nêu ra các dịch vụ chuyển tiếp, bao gồm các khóa học, mà học sinh sẽ cần để đạt được các mục tiêu. Các mục tiêu này phải dựa trên đánh giá chuyển tiếp phù hợp với lứa tuổi. Các loại dịch vụ chuyển tiếp mà học sinh nhận được phải tính đến những quan tâm và sở thích của học sinh đó, cũng như các kỹ năng mà học sinh cần có.

Tôi có thể nhận một bản sao IEP của con tôi không?

Có, quý vị có thể nhận một bản sao Individualized Education Program (IEP, Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân) nếu quý vị cần để có thể nắm bắt thông tin về chương trình.

Theo quy tắc giáo dục đặc biệt, khu học chánh phải dịch các biểu mẫu đồng ý giáo dục đặc biệt và các thông báo trước bằng văn bản.” Quy tắc giáo dục đặc biệt không đề cập bất kỳ điều gì đặc biệt về việc dịch IEP. Tuy nhiên, US Department of Education (Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ) và US Department of Justice (Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ) đã giải thích rằng để tuân thủ Tiêu Đề VI của Civil Rights Act (Đạo Luật Dân Quyền), các khu học chánh phải sẵn sàng cung cấp các bản dịch của IEP. Họ giải thích:

Theo Tiêu Đề VI, tất cả văn bản quan trọng, bao gồm IEP của học sinh, phải được tiếp cận với những phụ huynh LEP [Trình Độ Tiếng Anh Hạn Chế], nhưng tất cả văn bản quan trọng không cần thiết phải được dịch ra mọi ngôn ngữ tại khu học chánh. Ví dụ, trong một số trường hợp, việc phiên dịch bằng miệng kịp thời và đầy đủ hoặc bản tóm tắt được dịch của một tài liệu quan trọng có thể được xem là đủ. Tuy nhiên, khu học chánh cần phải chuẩn bị cung cấp bản dịch của IEP kịp thời và hoàn chỉnh để đưa ra sự tiếp cận dễ hiểu về IEP và các quyền của phụ huynh đính kèm với bản dịch. Bởi vì phụ huynh cần tiếp cận IEP một cách dễ hiểu không chỉ trong cuộc họp IEP mà còn qua các năm học nhằm giám sát tiến độ của con mình cũng như đảm bảo các dịch vụ IEP được cung cấp. https://sites.ed.gov/idea/files/policy_speced_guid_idea_memosdcltrs_iep-translation-06-14-2016.pdf

Nếu quý vị cần một bản dịch nhóm IEP của con quý vị, hãy liên hệ với phòng giáo dục đặc biệt tại khu học chánh nơi con quý vị theo học.

Nếu quý vị có thắc mắc hoặc lo ngại, vui lòng gọi cho chúng tôi tại Office of the Education Ombuds (OEO, Văn Phòng Thanh Tra Giáo Dục của Thống Đốc Tiểu Bang Washington) và chúng tôi có thể cố gắng hỗ trợ quý vị.